Sự khác biệt giữa giày chạy bộ (running shoes) và giày luyện tập (training shoes)?

 

“Giày chạy bộ” đã từng là khái niệm khá dễ hiểu cho đến khi “giày luyện tập” xuất hiện. Giày chạy bộ và giày luyện tập phải chăng là một? Hay chúng có khác gì nhau không? Đó là băn khoăn không chỉ của một mà của rất nhiều người bởi sự khác biệt không mấy rõ ràng giữa hai loại giày dễ khiến chúng ta nhầm lẫn. Vậy tại sao không đặt một đôi giày chạy bộ bên cạnh một đôi giày luyện tập để cùng tìm ra sự khác biệt của nó nào.

 

 

Công dụng

 

Điểm khác biệt đầu tiên cần kể đến chính là công dụng của từng loại giày. Hiểu một cách đơn giản giày chạy bộ là những đôi giày dành riêng cho việc chạy bộ, chuyển động cơ thể trong chạy bộ chủ yếu theo phương thẳng đứng, hơi hướng về phía trước. Còn giày luyện tập là những đôi giày được thiết kế cho nhiều chuyển động phức tạp hơn, đáp ứng nhiều bài tập khác nhau, chủ yếu các bài tập trong phòng tập như nâng tạ, đấm bốc, Dead lift, Cross-Train, yoga, …

 

 

Có thể thấy giày luyện tập là một đôi giày đa di năng, đáp ứng được nhiều mục đích hơn so với giày chạy bộ vì thế trong một số trường hợp thay vì sử dụng giày chạy bộ người ta sử dụng giày luyện tập cho các đường chạy. Nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc bạn có thể sử dụng giày chạy bộ thay cho giày luyện tập đâu nhé vì thực tế thì giày chạy bộ chỉ chuyên dụng cho việc chạy bộ mà thôi.

 

 

Để đôi giày phát huy hết công dụng, các hãng giày luôn đưa vào đó những thiết kế đặc biệt riêng. Chính vì thế sự khác biệt về công dụng luôn đi kèm với sự khác biệt trong thiết kế. Đối với giày chạy bộ và giày luyện tập cũng vậy.

 

Phần đế giày

 

Khi chạy bộ, các vận động hướng về phía trước vì thế đôi giày sẽ tiếp xúc nhiều nhất với mặt đất ở mũi và gót giày, cũng tương tự vậy mũi chân và gót chân thường là hai bộ phận phải chịu nhiều ảnh hưởng nhất khi chạy bộ. Để tăng sự thoải mái, giảm chấn thương ở mũi và gót chân cũng như giúp đôi giày chịu được mài mòn tốt hơn những đôi giày chạy bộ thường có 2 miếng lót bằng cao su lì ở mũi giày và gót giày. Phần đế của giày chạy bộ được uốn cong, tạo thành một vòng cung hướng lên trên mũi giày. Đế thường cao dần về sau gót. Thiết kế này giúp giày chạy bộ chống sốc tốt hơn đồng thời tạo đà tốt hơn cho mỗi bước chạy.

 

 

Đế giày Nike Free 5.0

 

 

Đế giày Nike Free Trainer V7

 

Khác với giày chạy bộ, giày luyện tập thiết kế cho chuyển động theo nhiều hướng nên phần lót cao su ở đế của giày luyện tập được phân bổ trên toàn bộ bề mặt đế thay vì chỉ ở mũi và gót như giày chạy bộ. Điều này cũng giải thích tại sao trọng lượng của giày luyện tập thường lớn hơn giày chạy bộ. Đế của giày luyện tập thường được thiết kế thấp hơn giày chạy bộ và có sự cân bằng cao. Nếu để ý một chút bạn có thể thấy phần đế này thường bè hơn của giày chạy bộ. Thiết kế đế như vậy khiến đôi giày luyện tập có sự ổn định và vững chắc, một yếu tố rất quan trọng đối với các bài tập trong phòng tập. 

 

Thân giày

 

 

 

Để tối ưu nhất cho việc chạy bộ,upper của giày thường là các chất liệu nhẹ, bền, thoáng để những vận động của chân được linh hoạt và thoải mái nhất trên cả những đường chạy dài. Thiết kế của upper cũng tập trung bảo vệ nhiều phần mũi chân.        

Trong khi đó giày luyện tập cần sự chắc chắn hơn nên các chất liệu được sử dụng dày hơn, cứng hơn, ôm sát chân hơn để bảo vệ tốt nhất chân và cổ chân trong những chuyển động phức tạp. Phần cổ giày luyện tập luôn rất dày dặn còn ở giày chạy bộ thì mỏng hơn nhiều.

 

 

 

Nhìn chung không có quá nhiều sự khác biệt giữa giữa giày luyện tập và giày chạy bộ, trong một số trường hợp nhất định chúng vẫn có thể thay thế cho nhau nhưng để việc luyện tập của bạn đạt được kết quả tốt nhất thì nên sử dụng đôi giày đúng với “sứ mệnh” của nó nhé. Chúc bạn chọn lựa được đôi giày phù hợp nhất với mình.

 

Phương Thảo - myshoes.vn