Kéo dài tuổi thọ đôi giày chạy bộ của bạn đâu cần phức tạp đến thế
 

Một điều tối cần thiết của những ai yêu thích bộ môn chạy bộ là tìm cho mình một đôi giày chạy bộ đúng chuẩn. Một đôi giày chạy bộ chuẩn và đủ tốt sẽ hỗ trợ cho bạn rất lớn khi bạn luyện tập nhưng làm thế nào để duy trì được sự hỗ trợ ấy được lâu bền nhất? Câu trả lời là bạn cần biết cách “chăm sóc” cho đôi giày chạy của mình. Đừng nghĩ việc này không cần thiết nhé, chỉ riêng việc giá thành một đôi giày chạy bộ không hề nhẹ nhàng chút nào cũng khiến bạn phải lưu tâm đến việc kéo dài tuổi thọ cho đôi giày của mình rồi đấy.

 

 

 “Bạn đã làm gì để tăng tuổi thọ đôi giày chạy bộ của mình?” Rất nhiều người đều có chung câu trả lời cho câu hỏi này “ Sử dụng giày đúng mục đích và giặt giày thường xuyên”. Bạn có cùng câu trả lời ấy chứ? Nếu có thì bạn đã đúng nhưng chưa đủ.

 

Lựa chọn loại giày chạy bộ đúng mục đích

 

Việc bảo vệ đôi giày chạy bộ của bạn bắt đầu ngay từ cách bạn lựa chọn giày. Ngay cả những người mới bắt đầu tập chạy bộ cũng đều biết được rằng giày chạy bộ không chỉ có một loại. Mục đích và thiết kế của những đôi giày chạy đường bằng sẽ khác với giày chạy địa hình và cũng chẳng giống với những đôi giày trekking, vì thế tốt nhất bạn nên lựa chọn một đôi giày thực sự phù hợp nhất với mục tiêu luyện tập bạn đặt ra. Điều này chẳng những giúp đôi giày đẹp lâu bền hơn mà hiệu quả luyện tập của bạn cũng sẽ tốt hơn.

 

 

Sử dụng giày đúng cách

 

Đúng cách nghĩa là giày chạy bộ thì tốt nhất bạn chỉ nên dùng để chạy bộ mà thôi. Tất nhiên bạn hoàn toàn có thể sử dụng giày chạy bộ hằng ngày hoặc thậm chí là tập aerobics nhưng khi được sử dụng không đúng với chức năng thì việc không đảm bảo hiệu quả và giảm tuổi thọ là có thể xảy ra.

 

Điều chỉnh dây giày sau mỗi lần mang

 

Có phải bạn đã không ít lần tháo và xỏ vào đôi giày chạy bộ của mình mà chẳng cần tháo dây? Đây trở thành thói quen của rất nhiều người, phần vì tiện và hầu hết mọi người thấy rằng việc tháo dây là chẳng cần thiết khi vẫn có thể dễ dàng xỏ vào được. Thói quen này dễ làm mất form giày, hỏng gót đồng thời giảm độ ôm sát của đôi giày nên lâu dần bạn sẽ có cảm giác giày rộng hơn chính là do giày đã bị mất form. Tháo chỉnh dây giày mỗi lần mang thực sự là một việc quan trọng đấy.

 

 

Giặt giày đúng cách

 

Một trong những yếu tố tác động nhiều nhất đến độ bền của đôi giày chính là việc giặt giày này đây. Nếu không đúng cách bạn sẽ chẳng mấy phải giã từ đôi giày chạy bộ thân yêu của mình đâu.

 

  • Bao lâu thì nên giặt giày?

 

Không có một quy tắc nhất định nào về điều này. Tùy theo mức độ sử dụng và nơi bạn tập luyện có thể lựa chọn thời gian giặt giày như nào cho phù hợp. Trung bình có thể là một tháng một lần nếu bạn chỉ chạy bộ thông thường ở những khúc đường bằng phẳng. Còn với những bạn chạy địa hình hoặc trên đoạn đường mưa bùn thì nên rút ngắn thời gian này lại.

Còn đôi với việc lau chùi bên ngoài giày thì bạn nên tiến hành thường xuyên.

 

 

  • Giặt tay hay giặt máy?

 

Dù là giày chạy bộ hay bất cứ một loại giày nào thì ưu tiên hàng đầu vẫn là giặt tay. Khả năng vắt mạnh, cường độ cao của máy giặt sẽ làm lệch méo form dáng của đôi giày chạy bộ. Giặt bằng tay không chỉ giúp bạn giữ form dáng chuẩn cho đôi giày không chỉ vậy bạn có thể tập trung cọ sạch những chỗ nhiều vết bẩn hoặc vết bẩn cứng đầu bởi không phải phần nào trên đôi giày cũng có thể cọ rửa như nhau – đây chính là điều giặt máy không làm được.

 

 

  • Có nên dùng bột giặt?

 

Theo lời khuyên của các chuyên gia thì bột giặt không nên được sử dụng để giặt giày. Tính chất tẩy mạnh trong bột giặt không phù hợp với chất liệu của những đôi giày chạy bộ nói riêng và giày thể thao nói chung. Nên thay thế bằng những chất có tính chất tẩy rửa nhẹ hơn như xà phòng hoặc dầu gội đầu, sữa tắm pha loãng. Kem đánh răng cũng là lựa chọn tuyệt vời được khuyên dùng. Nếu có thể tốt nhất bạn mua những dung dịch làm sạch giày chuyên dụng, những dung dịch này không chỉ đảm bảo làm sạch giày mà còn bảo vệ giày tốt hơn giúp kéo dài tuổi thọ đôi giày.

 

  • Không ngâm giày trong nước quá lâu

 

Khác với quần áo, người ta phải sử dụng keo để gán những lớp của đôi giày lại với nhau vì thế nếu ngâm giày trong nước quá lâu sẽ làm những lớp keo này dễ bị hỏng.

 

  • Phơi giày nơi thoáng mát

 

Giày chạy bộ sau khi giặt nên để khô tự nhiên ở những nơi thoáng gió, tránh ánh nắng trực tiếp của mặt trời. Có thể bọc quanh giày bằng giấy trắng để giày khô nhanh hơn và giảm tình trạng ố. Còn việc sử dụng máy sấy tuyệt nhiên là không nên.

 

 

Bảo quản giày chạy bộ

 

Bạn cũng nên chú ý đến cách bảo quản giày bên cạnh việc giặt đôi giày thể thao của mình nữa. Mỗi lần sử dụng giày xong nên để ở nơi thoáng khí để nước và mồ hôi còn đọng trong giày bay hết đi. Có thể để túi trà lọc hoặc gói hút ẩn để khử mùi hôi cũng rất hiệu quả.

Nên để vào hộp nếu không có ý định sử dụng trong một thời gian dài nhé.

 

 

Nên có ít nhất hai đôi giày chạy bộ

 

Bất cứ một vật dụng nào khi sử dụng cũng cần thời gian phục hồi nên một cách để đảm bảo tuổi thọ của đôi giày chạy bộ là giảm thời gian sử dụng của nó xuống bằng cách mua thêm một đôi giày nữa. Việc thay đổi giữa hai đôi giày tạo một khoảng trống để đôi giày được “nghỉ ngơi” đồng thời khoa học cũng chứng minh rằng việc thay đổi đôi giày chạy sẽ khiến chân bạn có sự điều chỉnh từ đó giảm chấn thương khi chạy bộ.

 

 

 Đừng chỉ là những nhà mua hàng thông thái biết cách chọn đôi giày chạy bộ phù hợp nhất cho mình, hãy biến mình thành những người sử dụng giày thông thái từ những điều nhỏ nhặt nhất nhé.

 

Phương Thảo - myshoes.vn